Món sữa chua đã không còn quá xa lạ với mọi người. Vị thơm béo, chua chua ngọt ngọt của sữa chua làm cuốn hút nhiều người, đến nỗi trở thành món ăn không thể thiếu mỗi ngày. Cùng với những công dụng cực kỳ tốt của sữa chua càng làm cho nó không thể ngừng hot. Tuy nhiên, để làm được hũ sữa chua ngon cũng cần lưu ý đến một số điều trong khi làm. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin về cách làm sữa chua dẻo, công dụng cũng như một số mẹo nhỏ để món ăn của bạn được thơm mịn hơn.

Nguyên liệu làm sữa chua dẻo tại nhà.

  • 1 lít sữa tươi không đường.
  • 1 hộp sữa chua men cái.
  • 1 lon sữa đặc có đường.
  • Dụng cụ: rây lọc, thùng xốp hoặc nồi cơm điện, nồi, muỗng, lọ hoặc túi đựng sữa chua.

Cách làm sữa chua ngon dẻo mịn, tại nhà.

2.1. Bước 1: Đun sữa.

Khui lon sữa đặc có đường đổ hết vào nồi đã chuẩn bị sẵn. Dùng lon sữa đặc đó để đong 2,5 lon sữa tươi cho vào nồi. Đong thêm 1 lon nước sôi tầm 75 – 90 độ C vào chung. Sau đó, dùng muỗng khuấy đều cho hỗn hợp được tan. Sau khi sữa đã tan hết, bạn bắt lên bếp đun đến khi hỗn hợp sôi lăn tăn thì tắt bếp để khoảng 30p để hỗn hợp được nguội bớt.

Khuấy đều hỗn hợp sữa đặc, sữa tươi.
Khuấy đều hỗn hợp sữa đặc, sữa tươi.

2.2. Bước 2: Thêm sữa chua cái.

Cho sữa chua cái và một ít hỗn hợp sữa ấm vào một cái ly rồi khuấy đều. Chờ đến khi hỗn hợp đã nguội bớt thì đổ hết ly hỗn hợp sữa chua cái vào và khuấy đều tay theo 1 chiều. Sữa chua cái cần để ở nhiệt độ thường cho tan hết mới làm. Khuấy hỗn hợp càng đều thì sữa chua càng mịn và ngon hơn.

Cách làm sữa chua dẻo không bị dăm đá.
Cách làm sữa chua dẻo không bị dăm đá.

2.3. Bước 3: Lọc hỗn hợp sữa chua.

Dùng rây lọc để lọc hỗn hợp sữa chua đã chuẩn bị để sữa chua sau khi ủ sẽ được dẻo mịn, thơm ngon, không bị dăm đá. Nếu bạn sử dụng sữa chua uống làm men cái thì có thể bỏ qua bước này.

Lọc hỗn hợp sữa chua qua rây để thành phẩm được dẻo mịn.
Lọc hỗn hợp sữa chua qua rây để thành phẩm được dẻo mịn.

2.4. Bước 4: Ủ sữa chua.

Sau khi lọc hỗn hợp nguyên liệu, bạn rót sữa chua vào lọ đậy kín nắp hoặc cho vào túi nilon nhỏ buộc chặt. Có thể tiến hành ủ sữa chua bằng thùng xốp hoặc nồi cơm điện, máy làm sữa chua chuyên dụng:

Ủ bằng thùng xốp: Xếp sữa chua vào thùng xốp và đổ nước nóng theo tỷ lệ 2 nóng : 1 nguội ngập 2/3 hũ hoặc túi sữa chua. Lưu ý không đổ đầy, ngập hũ sữa chua sẽ làm nước tràn vào trong gây hỏng sữa chua. Đậy nắp thùng xốp lại và ủ trong vòng 7 – 8  tiếng.

Ủ bằng nồi cơm điện: với cách này, lượng nước và thời gian ủ tương tự như cách ủ với thùng xốp. Nếu trời lạnh sau mỗi 2 tiếng bạn để nồi cơm ở chế độ giữ ấm khoảng 15 phút rồi rút điện ra.

Ủ bằng máy ủ sữa chua chuyên dụng: Đặt hũ hoặc túi sữa chua vào máy ủ, chọn chế độ ủ tùy chọn sao cho phù hợp. Nếu mùa hè thì ủ trong 4 – 6 tiếng, mùa đông ủ trong vòng 6 – 8 tiếng.

Trong suốt quá trình ủ, bạn không nên di chuyển hoặc mở nắp ra xem để đảm bảo sữa chua lên men được chuẩn và ngon nhất. Nhiệt độ chuẩn để ủ sữa chua là 40 độ C, tùy vào thời tiết mà ủ sữa chua trong thời gian bao lâu cho hợp lý.

Ủ sữa chua trong vòng 6 - 8 tiếng.
Ủ sữa chua trong vòng 6 – 8 tiếng.

2.5. Bước 5: Thành phẩm sữa chua.

Sau khi ủ đủ thời gian, bạn lấy sữa chua ra và lau khô từng hũ vào ngăn mát tủ lạnh thêm 1 – 2 tiếng nữa là có thể thưởng thức được rồi.

Lưu ý khi ủ sữa chua.

  • Bạn có thể sử dụng sữa chua ăn hoặc sữa chua uống làm men cái đều được. Nếu bạn dùng sữa chua ăn thì nên bảo quản ở nhiệt độ phòng. Còn nếu bạn lỡ tay cho vào tủ lạnh thì bạn phải để tan hết và khuấy tan sữa chua trước khi cho vào sữa.
  • Dụng cụ làm sữa chua cần được vệ sinh sạch sẽ, khử trùng bằng nước sôi trước khi sử dụng để đảm bảo chất lượng thành phẩm.
  • Không nên đun sôi sữa vì sẽ làm thất thoát chất dinh dưỡng có trong sữa.
  • Nhiệt độ nước ấm để ủ sữa chua thuận lợi nhất là khoảng 40 – 50 độ C. Nếu quá thấp thì sẽ không đủ nhiệt độ để vi khuẩn lên men. Nếu nhiệt độ quá cao sẽ làm cho vi khuẩn lên men bị chết, không tạo men được.
  • Không được di chuyển hoặc mở nắp ra xem trong suốt quá trình ủ.
  • Nên khuấy hỗn hợp theo 1 chiều cố định và khuấy càng đều thì sữa chua sau khi ủ sẽ càng dẻo mịn và ngon hơn, không bị dăm đá.

Công dụng của sữa chua.

Sữa chua là thực phẩm giàu lợi khuẩn, rất tốt cho hệ tiêu hóa. Nó giúp điều hòa hệ tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn. Sữa chua cũng giàu chất chống oxy hóa giúp tăng cường chức năng hệ miễn dịch, ngăn ngừa một số bệnh nguy hiểm. Vitamin C và một số chất chống oxy hóa trong sữa chua cũng giúp làm đẹp da, ngăn ngừa lão hóa, giảm thâm sạm. Khi kết hợp sữa chua với các loại trái cây, rau xanh khác càng làm tăng thêm lợi ích sức khỏe.

Sữa chua mang lại nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe.
Sữa chua mang lại nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe.

Sữa chua giúp cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để duy trì sự sống và phát triển. Sữa chua chứa nhiều canxi và các khoáng chất cần thiết cho sức khỏe xương và răng miệng. Ngoài ra, nó cũng chứa nhiều vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B12 và riboflavin. Cả 2 chất này đều có thể bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tim mạch và các dị tật bẩm sinh ống thần kinh khác. Sữa chua cũng chứa nhiều khoáng chất cần thiết khác như photpho, magie, kali… giúp điều chỉnh huyết áp, sự trao đổi chất và sức khỏe xương khớp. Bên cạnh đó, ăn nhiều sữa chua sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và trầm cảm.

Trong sữa chua cũng có chứa lượng lớn protein, kết hợp cùng canxi để tăng nồng độ các loại hormon làm giảm cảm giác thèm ăn, giúp kiểm soát cân nặng, giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể.

Bí quyết cách để làm sữa chua dẻo cho ngon mịn.

Bạn nên sử dụng sữa tươi để làm sữa chua không nên chỉ sử dụng sữa đặc và nước lọc. Sử dụng nước lọc làm sữa chua, khi bảo quản trong ngăn đá sẽ làm cho sữa chua bị dăm đá. Khuấy đều hỗn hợp theo một chiều cố định để không phá vỡ kết cấu nguyên liệu giúp sữa chua được mịn, không bị tách nước và nhớt. Tùy vào khẩu vị của mỗi người mà có thể điều chỉnh thời gian ủ sao cho phù hợp. Nếu bạn thích ăn chua thì có thể tăng thêm thời gian ủ. Nếu bạn không thích ăn quá chua thì có thể giảm thời gian ủ xuống.

Cách thưởng thức và bảo quản.

Sữa chua sau khi làm xong, bạn có thể bảo quản lạnh trong ngăn mát hoặc làm đông rồi thưởng thức trực tiếp. Vào mùa hè, bạn có thể làm món sữa chua đá chanh để cả gia đình cùng giải khát. Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp sữa chua với một số loại topping khác như trân châu cốt dừa, thạch rau câu… để làm ra các món ăn vặt ngon góp phần tăng thêm hương vị. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp với các loại trái cây, salad để ăn hàng ngày. Sữa chua làm tại nhà nên được sử dụng hết trong vòng 2 tuần là tốt nhất.

Có thể kết hợp sữa chua với các topping khác.
Có thể kết hợp sữa chua với các topping khác.

Lưu ý khi ăn sữa chua.

  • Bạn chỉ nên ăn sữa chua một lần một ngày, từ 100 – 200g, không nên ăn quá nhiều có thể dẫn đến lạnh bụng, tiêu chảy.
  • Không nên hâm nóng sữa chua trước khi ăn vì sẽ làm chết các vi khuẩn có lợi trong sữa chua. Nếu bạn sợ bị lạnh bụng thì có thể để sữa chua ra ngoài cho bớt lạnh rồi hãy sử dụng.
  • Không nên ăn sữa chua khi đói sẽ gây cồn cào, khó chịu cho dạ dày. Bạn nên ăn sữa chua sau bữa ăn khoảng 1 – 2 tiếng. Thời điểm tốt nhất để ăn sữa chua là vào buổi tối.
  • Những người thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc, làm việc trước máy vi tính, bị táo bón, người bị loãng xương…là những đối tượng thích hợp dùng sữa chua thường xuyên.

Sữa chua là thực phẩm giàu dinh dưỡng, giúp tăng cường sức khỏe và có nhiều công dụng đáng kinh ngạc nếu được sử dụng thường xuyên. Nó cũng là món ăn vặt, món tráng miệng được yêu thích của nhiều người. Do đó, bài viết này đã cung cấp cho bạn cách làm sữa chua dẻo đơn giản nhưng cực kỳ thơm ngon ngay tại nhà. Bạn có thể tham khảo và thực hiện ngay nhé.